Việc ngồi lì xem các series phim phát trực tuyến thường song hành với cảm xúc tội lỗi và vô tích sự. Nhưng thực tế, hành vi say mê quá mức và không kiềm chế không phải là sản phẩm mới sinh ra trong thời đại kỹ thuật số, mà nó đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử nhân loại.

Mỗi buổi tối, hàng triệu người trên toàn thế giới sẽ bật Netflix và các dịch vụ phát trực tuyến khác như Disney+, Stan và Prime Video để “luyện” các chương trình yêu thích của họ. Sự ra đời của dịch vụ phát trực tuyến đã khép lại cái thời chúng ta phải canh tới giờ chiếu bộ phim yêu thích trên tivi. Giờ đây, trên những nền tảng dễ dàng tiếp cận này, toàn bộ series được phát hành cùng một lúc, cho phép chúng ta xem thỏa thuê từ đầu chí cuối loạt phim hấp dẫn mà chẳng cần phải mòn mỏi chờ đợi.

Hành vi này phổ biến tới nỗi nó đã khiến các chuyên gia y tế lo ngại. Họ nêu ra nhiều vấn đề về sức khỏe mà những người “nghiện” xem phim liên tục có thể gặp phải, trong đó có tình trạng lo lắng và trầm cảm gia tăng.

Thế nhưng, những cuộc bàn luận xung quanh vấn đề này đã thiếu mất một chi tiết quan trọng, đó là việc xem phim liên tục – hành vi say mê quá mức và không kiềm chế – không phải điều gì mới lạ, không phải là sản phẩm mới sinh ra trong thời đại kỹ thuật số, mà nó đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử nhân loại. Trên thực tế, nó là ví dụ minh họa cho một khao khát xưa cũ của con người: hoàn toàn đắm mình vào trong câu chuyện.

Cũng giống như các khán giả hiện đại mải mê xem các series Bridgerton, Baby Reindeer hay The Walking Dead, từ xưa con người đã luôn tìm kiếm những trải nghiệm hấp dẫn trong câu chuyện.

Dịch vụ phát trực tuyến hiện nay khiến mọi người dễ dàng xem phim mọi lúc, mọi nơi. Nguồn: phucanh.vn

Trước khi chữ viết xuất hiện, kể chuyện truyền miệng từ xưa đã hấp dẫn con người trong mọi nền văn hóa, chúng là thứ tiêu khiển, truyền đạt kiến thức và giáo dục văn hóa.

Một nghiên cứu công bố năm ngoái cho rằng các câu chuyện của Thổ dân Palawa từ Tasmania có thể bắt nguồn từ những sự kiện đã xảy ra từ 12.000 năm trước – như vậy, chúng nằm trong những câu chuyện truyền miệng cổ nhất thế giới được ghi lại. Và để tồn tại được qua hàng trăm thế hệ như vậy, các câu chuyện cần được kể lại liên tục.

Với sự ra đời của văn bản chữ viết, chúng ta tiếp tục gắn bó sâu hơn với câu chuyện. Trong hàng thiên niên kỷ, các bộ sưu tập văn bản lớn đã cho phép con người tha hồ nhập tâm vào các câu chuyện, với các ví dụ từ Panchatantra – tuyển tập truyện ngụ ngôn Ấn Độ có niên đại khoảng năm 200 trước Công nguyên – đến các tập kịch của William Shakespeare ra đời từ những năm 1600.

Trong lịch sử, các thư viện, phòng trưng bày và bảo tàng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp công chúng tiếp cận với các bộ sưu tập tác phẩm lớn, bao gồm sách, tác phẩm nghệ thuật và hiện vật.

Tới khi máy in ra đời thì nó đã làm nên cuộc cách mạng trong việc tiếp cận với sách vở. Bằng chứng cho thấy vào thế kỷ 18, những độc giả say mê ở Anh (tức là tầng lớp thượng lưu đủ giàu để mua sách) đã ngấu nghiến các cuốn tiểu thuyết ở nơi công cộng hoặc dưới ánh nến – họ không thể ngừng đọc cho tới khi câu chuyện kết thúc.

Nhà nghiên cứu văn học Ana Vogrinčič cho biết có một loại “hoảng loạn đạo đức” đã xuất hiện khi phụ nữ thời đó ham thích đọc sách:

Đọc sách trên giường bên ánh nến được cho là gây nguy cơ hỏa hoạn, còn việc phụ nữ cười lớn hoặc xúc động vì một cảnh nào đó, có tư thế ngả ngớn, thường gặp phải những lời lẽ xúc phạm, dẫn tới hình ảnh nữ giới đọc sách bị kỳ thị và định kiến nặng nề – tiền thân của người ngồi ì trước tivi cả ngày. Ghế sofa đọc sách và sofa xem tivi chắc chắn đại diện cho điểm chung giữa việc đọc tiểu thuyết ở thế kỷ 18 và việc xem tivi ở thời nay.

Vào thế kỷ 19, truyện dài kỳ trở nên phổ biến với ngày càng nhiều nhà văn đăng tác phẩm của họ theo từng kỳ.

Cuối cùng, sự phổ biến của rạp chiếu phim và tivi đã mang lại một hình thức kể chuyện nhập vai mới. Việc cho thuê phim xem tại nhà đã cho phép khán giả xem phim liên tục, trong khi việc chiếu phim ngoài rạp phản ánh các hình thức giải trí cộng đồng cũ như buổi đọc sách chung và tới rạp hát.

Tuy rằng việc xem/đọc liên tục đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng internet và dịch vụ chiếu phim trực tuyến đã làm gia tăng đáng kể hành vi này. Có lẽ đây là lý do vì sao hành vi xem phim liên tục được coi là một hiện tượng chỉ thời nay mới có.

Giờ đây, khi thiết kế chương trình, các nhà sáng tạo phải tuân theo mô hình xem liên tục, sử dụng phần kết lửng, thoát ly thực tế cùng nhiều tình tiết dồn dập xảy ra để khuyến khích người xem nán lại lâu hơn. Tất cả những yếu tố này (và nhiều hơn thế) được kết hợp nhằm tạo ra chương trình truyền hình “xem liên tục”.

Còn về lý do vì sao chúng ta thích ngồi xem liền tù tì, thì điều này về bản chất là sự giao thoa giữa cảm xúc và các chất hóa học trong não bộ.

Khi chúng ta nhập tâm vào những câu chuyện hấp dẫn, điều này sẽ kích thích giải phóng dopamine, chất truyền dẫn thần kinh liên quan tới khoái cảm, và tạo ra trải nghiệm gây nghiện. Đồng thời, bộ não con người khao khát “kết cục”, đó là thứ mà câu chuyện hấp dẫn trên màn hình sẽ mang lại cho chúng ta.

Ngày nay, việc ngồi xem phim không ngừng nghỉ thường song hành với cảm xúc tội lỗi và vô tích sự. Trên hết, điều này phản ánh một thay đổi trong các giá trị xã hội về thời gian giải trí.
Ngày xưa, có những lúc việc dành nhiều thời gian đọc sách được đa số coi là hoạt động văn hóa giá trị, góp phần làm giàu con người và tương tác xã hội.

Ví dụ, phong trào Khai sáng ở châu Âu ở thế kỷ 17 và 18 đã khuyến khích người dân phát triển quan điểm phê bình thế giới thông qua quá trình tự học nhiều nhất có thể. Phương pháp học tập này được cho là đã cổ vũ tự do trí tuệ và hạnh phúc, và thường liên quan tới việc tiếp xúc với sách vở đa dạng.

Qua các thời kỳ và nền văn hóa, con người không ngừng tìm cách thoát ly thực tại và kết nối cảm xúc với các câu chuyện. Từ truyền thống truyền miệng cổ xưa cho tới dịch vụ phát trực tiếp hiện đại, con người chúng ta vẫn luôn khao khát được đắm chìm liên tục vào các chuyện kể.

Có lẽ, khi nhận ra hành vi này từng có tiền lệ trong lịch sử, chúng ta có thể bắt đầu trân trọng niềm yêu thích xem phim liên tục của mình, và bớt cảm thấy tội lỗi về hoạt động này.

Nguồn:

theconversation